HƠN 2 TỈ USD ĐẦU TƯ CHO ĐBSCL

This post is also available in: English (English)

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên số 1 cho hạ tầng giao thông

Ngày 3-11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, chủ trì hội nghị trực tuyến với một số bộ, cơ quan và 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Ưu tiên đặc biệt một số nhóm dự án

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quy hoạch có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của vùng nói chung và 13 tỉnh, thành trong vùng nói riêng. ĐBSCL là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê Kông, chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích cả nước, đóng góp 15,4% GDP của cả nước, 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu…

Nhận thức rõ về tiềm năng và nguy cơ của vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/2017 về phát triển bền vững vùng ĐSBCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định là việc làm tiên quyết. Đồng thời giao các cơ quan của Chính phủ huy động nguồn lực tăng thêm cho vùng ĐBSCL 2 tỉ USD để thực hiện các công trình trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa cao để thực hiện được quy hoạch vùng ĐBSCL đã đề ra và nhằm mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Ưu tiên cao nhất về hạ tầng giao thông cho ĐBSCL”. Ảnh: ĐỨC THUẬN

Theo dự thảo quy hoạch, phát triển vùng ĐBSCL dựa trên 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường. Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng. Giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình cả nước khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP khoảng 20%; công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 32%; dịch vụ là 46%. Kinh tế nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng kinh tế sinh học toàn diện với 3 trọng tâm: thủy sản – cây ăn quả – lúa.

Làm rõ hơn về vấn đề quan tâm nhất của vùng ĐBSCL là hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ ưu tiên đặc biệt một số nhóm dự án, như các tuyến đường cao tốc TP HCM đến Cà Mau; An Hữu – TP Cao Lãnh – cầu Vàm Cống – Rạch Giá; Châu Đốc – Cần Thơ – cảng Trần Đề… Cùng với nhiều tuyến đường cao tốc, vùng ĐBSCL cũng được đầu tư xây dựng 7 tuyến quốc lộ.

Về hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ phát triển mạnh cảng quốc tế Long An; ủng hộ Trà Vinh xây dựng cảng tổng hợp Trà Vinh duyên hải; ủng hộ Cà Mau kêu gọi nhà đầu tư vào cảng Cầu Vai. Riêng cảng Trần Đề của Sóc Trăng cũng đang xúc tiến đầu tư… Về hàng không sẽ nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, bộ này đang cùng các địa phương ở ĐBSCL xây dựng nơi đây thành vùng nguyên liệu chủ lực lớn, đạt chất lượng để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như vùng trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều dự án nạo vét, mở kênh lớn để trữ nước ngọt, trong đó có dự án cải tạo kênh, trục chính dẫn nước ngọt từ sông Hậu đến bán đảo Cà Mau.

Có quy hoạch mới kêu gọi được đầu tư

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch triển khai quy hoạch cũng rất quan trọng, bởi nếu không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch “treo”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. Vì vậy, ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng”.

Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong hệ thống đường cao tốc vùng ĐBSCL đang về đích. Ảnh: QUANG TRƯỜNG

Phó Thủ tướng dẫn chứng 90% nguồn vốn đầu tư phát triển của TP Hải Phòng là từ doanh nghiệp và người dân, chỉ có 10% nguồn vốn là từ ngân sách nhà nước. Từ kinh nghiệm của TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng gợi mở: “Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc xác lập các cực tăng trưởng cần gắn liền với mục tiêu phát triển TP Cần Thơ với chức năng là trung tâm của vùng. Bên cạnh đó, không gian phát triển vùng cần gắn với hệ thống các đầu mối về công nghiệp; chú trọng phát triển không gian biển gắn với phát triển kinh tế biển, trước mắt là hệ thống hạ tầng đường ven biển, cảng biển, hệ thống logistics nhằm khai thác tiềm năng các vùng đất ven biển bởi trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì có 7 địa phương ven biển.

Để triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chương trình, dự án cụ thể. Đây cũng là cơ sở để định hướng cho việc lập, triển khai các quy hoạch từng địa phương một cách thống nhất, đồng bộ.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ KH-ĐT khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, tài liệu để trình Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 xem xét, tổ chức thẩm định trong tháng 11-2021 và phê duyệt trong tháng 12-2021.

Trích nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/hon-2-ti-usd-dau-tu-cho-dbscl-2021110321240522.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published.